Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cách thiết kế cầu thang an toàn và thẩm mỹ

1. Tính an toàn

Cầu thang là điểm kết nối duy nhất giữa các tầng trong cùng một ngôi nhà, có tần suất sử dụng cao trong ngày và đóng vai trò quan trọng đối với sinh hoạt thường nhật của gia đình. Do vậy, không chỉ những gia đình có trẻ nhỏ mới cần tính đến độ an toàn của cầu thang mà yếu tố an toàn còn quyết định việc giảm thiểu những đáng tiếc xảy ra trong quá trình sử dụng cho cả người lớn. Cầu thang an toàn không chỉ tính đến độ cao chiều rộng bậc thang mà còn phải chú ý đến chất liệu bề mặt để tránh trơn trượt hay vấp ngã.

Trong kiến trúc nhà ở dân dụng hiện nay, cầu thang có kích thước chuẩn thường rộng từ 0.9m đến khoảng 1.2m (đối với nhà lô phố) và 1.5m hoặc lớn hơn đối với những công trình nhà ở cao cấp, biệt thự…

Độ cao mỗi bậc khoảng 150mm và chiều rộng bậc thang khoảng 300mm (Đây là quy chuẩn lý tưởng); tức là bề rộng mặt bậc thang gấp đôi độ cao mỗi bậc theo công thức b+2h= 600mm (trong đó h là chiều cao bậc thang; b là chiều rộng bậc thang). Với kích thước tiêu chuẩn đó, cầu thang sẽ không bị dốc và hẹp, người đi lại sẽ thong thả, không bị mất sức.

Chiều cao của lan can được tính từ trung tâm của mặt bậc thang đến mặt trên của tay vịn, kích thước chuẩn khoảng 900mm. Chiếu nghỉ, đúng như tên gọi của nó, là nơi nghỉ chân tạm thời khi đang đi cầu thang. Trong thiết kế kiến trúc, chiều rộng của chiếu nghỉ không được nhỏ hơn chiều rộng của thân thang, đồng thời phải hợp lý, thuận tiện cho việc đi lại.

Khi thiết kế (hoặc chọn lựa) mẫu lan can, cầu thang nên chú ý cấu tạo các thanh lan can sao cho khó leo trèo, khoảng cách giữa hai thanh đứng (hoặc ngang, chéo tuỳ mẫu) không lớn hơn 10cm để tránh trường hợp trẻ em chui đầu qua.

Cách thiết kế cầu thang an toàn và thẩm mỹ

2. Tính thẩm mỹ

Không đơn thuần là lối dẫn lên các tầng cao trong nhà, cầu thang còn góp phần tạo nên nét thẩm mỹ nội thất, điểm tô thêm sự duyên dáng cho nhà ở gia đình. Ngoài những thiết kế thông thường gọn gàng và tiện dụng thì trên thị trường hiện nay có nhiều kiểu dáng cầu thang đẹp mắt mà vẫn đảm bảo chức năng lưu thông an toàn và thuận tiện như cầu thang kính, cầu thang sắt, inox, gỗ…cùng những mẫu hoa văn đẹp mắt.

Bên cạnh đó, những ý tưởng trang trí độc đáo cho khu vực này cũng không kém phần đa dạng, ví dụ như giếng trời kết hợp với cầu thang nhằm tăng thêm sự thông thoáng. Điều này không chỉ giúp làm đẹp thêm ngôi nhà mà còn khiến khí lưu thông từ tầng một lên các tầng trên trong nhà được thông suốt. Với gầm cầu thang, gia đình hoàn toàn có thể biến khoảng không gian này thành một điểm nhấn thú vị trong nhà. Một vườn khô nhỏ xinh trải sỏi trắng kết hợp với những bát hoa nhỏ sẽ khiến khu vực gầm cầu thang của nhà bạn thêm sinh động và tràn đầy sức sống.

Cũng với cách trang trí như khu vườn khô nhỏ xinh này, có thể bố trí những bát hoa hoặc chậu cây nhỏ; những con giống bằng sành, sứ, gỗ… theo dọc lối lên của mỗi bậc cầu thang, làm tôn thêm nét duyên dáng của những đường cong trên chiếc cầu thang của gia đình.

Với các diện tường của thang, bạn có thể sử dụng các vật liệu như gạch gốm, đá ốp trang trí, tạo thành một lối lên độc đáo, kết hợp với việc bố trí cây xanh hợp lý tại chân cầu thang, chiếu nghỉ… tạo thành khoảng không gian xanh, tươi vui trong ngôi nhà của bạn.

Cách thiết kế cầu thang an toàn và thẩm mỹ 1

3. Và vấn đề phong thuỷ

Một điều rất cần thiết là số bậc của mỗi tầng cũng như toàn bộ cầu thang. Khi thiết kế cầu thang, vấn đề này luôn được gia chủ cũng như kiến trúc sư rất lưu tâm.

Tuỳ theo diện tích không gian từng nhà mà số lượng bậc thang nhiều hay ít, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo bậc cuối cùng phải là bậc lẻ, rơi vào cung “Sinh” trong vòng tuần hoàn “Sinh, lão, bệnh, tử”.

Như vậy, tổng số bậc thang phải chia hết cho 4 và dư 1 hoặc 3. Điều này không những đảm bảo về sự thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại mà còn mang lại cảm giác yên tâm, thoải mái trong ngôi nhà của mình.

(Theo Dothi)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét